LÁ THƯ THỨ HAI GỬI CHÚ HẢI


                                   TP Hồ Chí Minh, 6 tháng 3 năm 2014        
Chú mự Hải Phương,
Tôi đã nhận được thư của chú mự. Sức khỏe của tôi đợt này khá hơn trước. Qua ba tháng nằm liệt, cũng tưởng không ngồi dậy được. Hiện nay đi lại đã bình thường, mỗi ngày đi bộ được một ít. Ăn uống thì cố gắng bữa lưng bát cơm, ngủ bình thường, tinh thần vui vẻ. Cũng là nhờ phúc dày của Tổ Tiên mới được như vậy. Còn bà Hiền thì sức khỏe cũng tốt.
          Ở trong này xa xôi, anh em bác cháu khó gặp được nhau, không có gì hơn tôi mong chú mự luôn giữ sức khỏe. Bác mong  gia đình các cháu Cẩm Thạch, Thanh Sơn, Thanh Hà công tác tốt, kinh tế vững, có điều kiện nuôi dạy con cái học tập tốt, thành đạt. Đó chính là cách báo hiếu bố mẹ và Tổ Tiên thiết thực nhất.
          Tôi cảm ơn chú mự gửi cho tôi cuốn “Cuộc tìm kiếm hài cốt Cố Tổng bí thư Hà Huy Tập”. Thị lực tôi đợt này cũng giảm, mà tài liệu mờ, nên cũng phiền con cháu đọc cho nghe. Nhưng cháu Huệ có nói chú gửi như thế tốn tiền, chú chỉ cần thông tin vào thì cháu sẽ tìm trên internet, vì trên mạng người ta cũng truyền bá tại http://dienchan.vn/wp-content/uploads/2012/12/Cuoc-tim-kiem-hai-cot-co-TBT-Ha-Huy-Tap.pdf và trên nhiều trang web khác nữa.
          Có mấy vấn đề tôi trao đổi với chú mự:
1) Tôi tuy sức khỏe có hồi phục, nhưng không thể về quê được. Các cháu có nói nếu ông về thì mua vé máy bay để ông về, nhưng khả năng đi lại bây giờ không còn được như hai năm trước. Tay run, viết đã khó khăn. Chân hồi trước đi bộ được 10 phần thì giờ chỉ được 2 phần, 3 phần. Hiện nay cố gắng lắm cũng chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn, Đắc Lắc, Gia Lai, nhưng cũng hạn chế. Tôi có nói với các cháu nếu cha chết ở Sài Gòn thì đưa về quê, đặt quan tài tại sân Hội trường xóm vài giờ để ai nghĩ đến có thể thắp cho cây hương, và sau đó chôn ở nghĩa địa Nương Cộ. Một thời gian đủ lâu, con cháu cải táng đặt dưới mộ Tổ Tiên, bên mộ Bà Lan. Còn nếu chết ở Đắc Lắc hay Gia Lai thì đưa về Đắc Lắc chôn vĩnh viễn bên mộ cháu Lan.
2) Về việc thờ phụng Tổ Tiên, 3 việc trọng đại như chú mự kể đến bây giờ có thể nói là tốt đẹp: xây mộ bằng xi măng (1997), ốp mộ gạch men (2002), rước bài vị Tổ Tiên vào nhà cháu Huệ Quân. Các việc đó tiến hành vào thời điểm này, thời điểm khác, có những đứa con cháu lúc đó khó khăn, nhưng nhờ sự đồng tâm hợp lực, không ganh bì tị nạnh, nên mới đạt được. Trong này, tôi nói với con cháu được như thế phải kể đến lòng tận tâm, công sức, tiền bạc và sự quyết tâm làm của mự Phương.
3) Việc bảo vệ mộ, thăm mộ, tảo mộ vào các ngày tết, tôi và các cháu ở xa không về được, tất cả là nhờ ở chú mự và các cháu. Còn nhà thờ trung tôn lạnh lẽo, bây giờ không chỉ là trách nhiệm ở Anh Bính, hay Bác Chắt Tiu, mà đó là trách nhiệm mọi thành viên trong trung tôn Nguyễn Đặng.
4) Còn việc xây nhà thờ chi họ, tôi và chú mự không thống nhất. Bây giờ qua lá thư chú viết, tôi trao đổi chú mự có hai phương án giải quyết như sau:
-  Phương án 1 (Thượng sách): Giao toàn bộ nhà cửa, vườn tược, sổ đỏ cho nhà cháu Long Xuân. Nhà dỡ xuống hay không là tùy cháu. Đất hương hỏa trở thành đất thường, đất vườn, đất trồng trọt. Không một người con cháu nào khác về được quyền tranh giành. Con cháu nội ngoại về thăm quê hương, thăm mộ Tổ Tiên, thắp hương ở mộ Tổ Tiên thì về nhà cháu, thắp hương ở bàn thờ nhà cháu. Chú mự đừng lo lắng băn khoăn gì, vì cháu Long cũng là một trong những hậu duệ của Can Canh, đâu phải người ngoài vào mà phải sợ.
- Phương án 2 (Trung sách): Xét theo lẽ tình, tôi là trưởng chi họ. Nhưng tôi nay đã cùng với con cái của mình đi xa quê hương, thì trách nhiệm nhà và đất của mẹ cha để lại, quyền quyết định là ở chú. Sổ đỏ đất tôi sẽ sang tên chú. Với phương án này, ý kiến tôi là nhà cũ của mẹ xây hồi trước dột nát, chú dỡ xuống. Còn tuyệt đối không xây nhà thờ chi họ. Nếu thích xây, chú có thể xây nhà ở bình thường, gian ngoài có bàn thờ, có nơi tiếp khách, có bể nước, nhà vệ sinh, nhà bếp. Như thế thì nhất cử lưỡng tiện: khi về thăm quê có nơi chú mự nghỉ ngơi, thậm chí chú mự có thể về ở hàng tháng ở quê để làm vườn cũng được. Mà lúc đó chú mự nên về thường xuyên, chứ nhà không ai ở nhanh xuống cấp lắm. Nói thật ra, làm như thế này cũng có cái lợi là các cháu và tôi khi về thăm quê hương cũng có chỗ để ở. Nhưng tôi nói trước xây như thế là tốn kém, kinh phí chú mự phải lo toàn bộ. Chú mự đừng nhân danh tôi, hoặc nhân danh Tổ Tiên để kêu gọi con cháu tùy tâm đóng góp. Theo phương án này thì sổ đỏ đất và nhà cửa lúc đó là sang tên chú mự và quyền sở hữu là của chú mự, toàn quyền quyết định ở chú mự. Theo phương án này, khổ và vất vả, chú mự đừng trách tôi.
5) Chú viết thư cho tôi có nói anh em, con cháu ở xa nhau là nỗi buồn. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ đó là niềm vui, vì con cháu đã trưởng thành, tìm được công ăn, việc làm. Vui vì các cháu có công ăn việc làm ở các thị xã, thành phố, các tỉnh lớn. Còn quê hương thì khắp đất nước Việt Nam, đâu chả là dân tộc Việt.
“Ở đâu cũng đất Nhà Vương,
Ở đâu cũng phố phường làm ăn”
Con cháu trong chi họ học tập, lập nghiệp, thành đạt, thì dù định cư ở trên quê hương, hay trong nam, ngoài bắc đều được, đều là một cách báo hiếu hay nhất thiết thực nhất đối với Tổ Tiên. Không nhất thiết cứng nhắc câu nệ như thế hệ tôi và chú mự ngày trước, nhất thiết phải ở quê, nhất thiết phải bám lấy đất hương hỏa.
Chú mự cũng đừng nghe các thầy bói, thầy cúng mà băn khoăn lo nghĩ quá (thầy bói thật, thầy cúng thật, thầy địa lí thật... không dễ thấy đâu). “Trung hiếu nhất tâm, thiên địa kiến”, trời đất không phụ lòng tốt của người tốt, Tổ Tiên ai chả muốn con cháu mình khá, con cháu mình làm nên, không Tổ Tiên nào làm hại con cháu cả.
Cuối thư, tôi mong chú mự giữ gìn sức khỏe để vợ chồng có thể sống được bên nhau bách niên giai lão. Và qua chú mự cho tôi gửi lời thăm sức khỏe đại gia đình anh em nội ngoại và bà con họ hàng, làng xóm.
Chờ thư trả lời của chú mự.
                                                                             Bác                                                                                                                                          Nguyễn Đặng Hành

Tái bút:
Lịch đại: các đời đã trải qua, nhiều đời đã trải qua.

Nhà thờ họ đại tôn: thờ từ ông Thỉ tổ trở xuống. Khi cúng tế, trong văn cúng mời toàn thể các vị trong họ đại tôn đã mất (kể cả các vị hữu tự và các vị vô tự).

No comments:

Post a Comment