NGUYỄN TỘC ĐẠI TÔN PHỔ KÍ


Đây là cuốn gia phổ đầy đủ nhất , và cũng là cuốn gia phả cuối cùng của họ đại tôn, in ngày 20/06/2012, được Cố Lan đọc và tự cầm bút sửa chữa.
Bản sửa chữa, có chữ viết của Cố Lan, hiện nay Nguyễn Đặng Huệ, trưởng nam của Cố Lan cất giữ.
Ngày 02/07/2012, bản gia phổ này đã được in lại và lưu giữ tại Nhà thờ họ đại tôn.
Biên tập và chế bản không thể tránh khỏi sai sót. Mọi chỉ giáo, góp ý, sửa chữa, kính xin các bậc cao niên và con cháu trong họ gửi về theo địa chỉ nguyenhueyen@yahoo.com.
Kính mong các trung tôn, các tiểu tôn, các chi phái trong họ, căn cứ vào gia phả của họ đại tôn mà viết tiếp gia phả của trung tôn, tiểu tôn, chi phái mình một cách chính xác.


NGUYỄN TỘC ĐẠI TÔN PHỔ KÍ, và CÂY PHẢ HỆ
 xin xem và in các file pdf tại trang web https://drive.google.com/folderview?id=0B6zVuqSctNWBdFlPYXpXaEk1ZTg&usp=sharing



Ngày 17 tháng 2 năm 1990

Quyển gia phổ này là  một kho tàng  lịch sử vô giá mà các bậc tiền bối đã góp nhiều công sức xây dựng nên. Công lớn nhất là ông Nguyễn Phúc Phiên. Ông Nguyễn Phúc Phiên là  con trai đầu ông Nguyễn Phúc Phao và bà Đặng Thị Tô, sinh năm Đinh Tị (1797). Lúc còn nhỏ học tài biết rộng, thi cử nhiều khoa. Lớn lên làm cai hợp kiêm lý trưởng. Bút thảo tinh thông. Công bình chính trực. Trên quan phải nể. Dưới dân phải phục. Đã có công tìm kiếm những bút tích viết gia phả cho họ ta, và các họ trong làng trong xã, các xã khác.  Ông thọ được 62 tuổi. Từ trần ngày 16 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1858).
Kế thừa truyền thống của ông là ông Nguyễn Sĩ Diên. Ông Nguyễn Sĩ Diên là con trai đầu ông Nguyễn Trác Lịch và bà Nguyễn Thị Loan, cháu ngoại họ ta, người trong làng. Bà Nguyễn Thị Loan là con gái ông Nguyễn Đặng Phái và bà Nguyễn Thị Minh. Ông sinh năm Nhâm Tuất (1862). Lúc còn nhỏ học một biết mười.  Văn hay chữ tốt. Thi cử nhiều khoa. Đủ tài nho y lý số. Lớn lên làm thầy thuốc, thầy địa lý, thầy bộ thủy, xã cử làm học sĩ xã. Ông chuyên môn tìm dấu vết sự tích viết gia phả cho các họ trong làng, trong xã và các xã khác. Ông thọ được 60 tuổi, từ trần ngày 3 tháng 2 năm Tân Dậu (1921).
Cùng góp sức với các ông trên có ông Nguyễn Đặng Tăng người trong họ, ông Lê Xuân Thưởng là cháu ngoại họ ta.
Quyển gia phổ này có 339 tờ, tôi viết tổng hợp 5 quyển chữ hán lại thành quyển tộc phổ. Một quyển ông Nguyễn Phúc Phiên viết đời vua Thiệu Trị năm thứ năm (1845). Một quyển ông Nguyễn Đặng Tăng viết đời vua Tự Đức năm Canh Thân (1860). Một quyển ông Nguyễn Sĩ Diên viết đời vua Duy Tân năm thứ sáu (1912). Một quyển ông Lê Xuân Thưởng viết đời vua Duy Tân năm thứ bảy (1913). Một quyển ông Nguyễn Sĩ Diên viết đời vua Duy Tân năm thứ chín (1915).
Trong lúc viết nhiều chữ tôi không biết, phải nhờ những người học nhiều hán tự như Cố Thuận trong làng, Cố Cương trong xã bày vẽ, chỉ dẫn cụ thể rõ ràng cho. Nên tôi đã viết hoàn chỉnh cả quyển tộc phả từ trên xuống dưới.
Quyển tộc phả này tôi viết và vẽ Hệ đồ từ đại tôn đến các trung tôn, tiểu tôn, các chi, các nhánh, các phái, các cửa rõ ràng cụ thể.
Trong lúc xem cần chú ý mấy vấn đề:
1. Hệ đồ đại tôn thì vẽ từ ông Thỉ tổ trở xuống, còn các trung tôn, tiểu tôn, các chi, các nhánh phần ông nào thì vẽ ông ấy trở xuống. Từ trên xuống là cha rồi đến con. Từ trái sang là anh rồi đến em, cửa trưởng rồi sang cửa thứ.
2. Vị hiệu của từng người không thay được tiếng quốc ngữ, phải dùng hán tự. Nên phải chú ý, ví dụ: Thỉ tổ khảo là ông tổ đời đầu tiên, ngoài lề tôi đã đề số 1. Thỉ tổ tỉ là bà vợ ông Tổ đời đầu tiên, tôi không đề số 1 nữa, nghĩa là ông bà nào cũng đề ngoài lề vị hiệu ông, vị hiệu bà không đề nữa. Rồi đến nhị thế tổ là ông Tổ đời thứ hai, ngoài lề đề số 2. Lần lượt từ trên xuống dưới đến số 2, số 3, 4, 5,… mãi mãi đời này tiếp đời khác. Khảo là ông, tỉ là bà. Vị hiệu của từng người trước làm gì, thì khi chết viết như vậy. Trong vị hiệu có những chữ tiền hương đình nghĩa là trước ở trong làng làm việc gì, chữ tiền thừa phu chức nghĩa là thừa hưởng chức tước của chồng, chữ Trần thị hàng nhất, hoặc Đặng thị hàng nhất nghĩa là bà ấy là người con gái đầu của họ Trần, hoặc người con gái đầu của họ Đặng..., chữ thụy trung hoặc thụy chất phác..., chữ hiệu tiết lệ, hiệu từ cần, hiệu hòa thuận đó là đặt tên cho người chết. Nam đặt thụy, nữ đặt hiệu.
3. Trong tộc phả có chữ Phụ lục nghĩa là viết thêm, ý nói viết thêm cho đời sau biết rõ sự tích, chữ phạp tự nghĩa là thiếu người thờ, ý nói chi đó, cửa đó, hoặc người đó không có con trai.
4. Những vị hiệu mà viết nhất, nhị hoặc tam, tứ tổ bá khảo, bá tỉ nghĩa bác ông, hay bác bà đời thứ mấy, hoặc thúc khảo, thúc tỉ nghĩa là chú mự đời thứ mấy đó.
5. Trong tộc phả có một số chi nhánh gia phổ riêng bị thất lạc, mất mát nên sự tích không được rõ ràng, như chi ông Nguyễn Phúc Tải, ông Nguyễn Phúc Thiên... Lại có những vị ngày, tháng, năm sinh hoặc ngày, tháng, năm mất hay phần mộ không rõ ràng là do gia phổ chữ Hán trước không ghi, nên tôi cũng trình bày ra đây để đời sau được rõ.
Kính cẩn trước linh hồn Tổ tiên. Theo thời đại mới, chữ hán ngày càng  suy, chữ quốc ngữ ngày càng thịnh. Tôi xin cảm ơn các vị tiền bối đã có nhiều công sức tìm hết dấu vết sự tích mà viết thành quyển gia phổ. Nay tôi xin phép viết lại bằng chữ quốc ngữ để cho con cháu biết rõ tiểu sử Tổ tiên, cha  ông. Cũng xin phép con cháu đời sau giữ gìn quyển tộc phổ này sạch sẽ, cẩn thận và luôn luôn ghi tiếp đời này nối  đời khác để lưu truyền dòng họ, xây dựng họ hàng lớn mạnh, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

                                                                    Người biên soạn

                                                                 Nguyễn Đặng Hành





Chim thì phải tìm tổ. Người thì phải tìm tông. Đạo cả xưa nay vốn thế. Nước có nguồn, cây có rễ. Lệ thường sau trước vẫn in nhau. Họ Nguyễn ta đây gồm có hai nhánh. Đã sinh  ra đến đời thứ mười tám. Con nhà ta văn vật. Dòng dõi ta trâm anh. Muốn đền ơn đạo đức sinh thành, ta phải nhớ đến mộ phần và giỗ chạp. Sau không sai lạc, cốt ở chúng ta. Kẻo rồi đây một lóng một nhặt, một mắt một xa. Sau con  cháu biết đâu mà theo dõi. Vì thế thứ ngày càng thay đổi. Sự hóa sinh, sinh hóa biết nhường bao. Nếu mà không có tộc phả chép vào, thì hàng lượt thế nào mà khỏi lạc. Cửa em gọi lầm cửa anh, cửa chú gọi nhầm cửa bác. Bởi vì chưng  chiêu mục bất minh. Bây giờ  ta sắp sửa cho rành. Sau tiếp tục viết truyền thêm mãi mãi. Trên tổ khảo đã không trở ngại. Dưới  tằng huyền chắc chắn đại vinh quang. Sách có câu, họ phải có hàng. Đó là tấm gương rất sáng. Ta chỉ nói trong một nhánh.  Từ ông cao cho xuống đến nay. Người sinh ra kể đã mấy đời. Sau tiếp  tục ngày càng thêm phồn thịnh. Nếu lúc đầu mà không chấn chỉnh. Sợ ngày sau vĩnh viễn lại thêm sai. Ngày xuân chép để một bài. Ngàn thu ghi nhớ đời đời truyền di.



GIA PHẢ


Nước có lịch sử để biết công lao các vị anh hùng dân tộc, liệt sĩ yêu nước, lịch đại đế vương. Nhà có phổ ý để biết nguồn gốc tổ tiên, sự  tích cha ông, thế thứ anh em. Chim thì  phải có tổ, người thì phải có tông. Con cháu sinh ra phải có cha ông. Uống nước thì phải nhớ nguồn. Ăn quả lang mai nhớ Tuấn Võ những ngày chiết rệ.
Người tai mắt đứng trong  thiên hạ
Ai mà không bác mẹ sinh thành.
Tổ tiên đã dày công xây đắp nên mấy ngàn năm. Năm vua Chính Hòa thứ sáu (1686), ông Nguyễn Ngai biết rõ sự tích ông Thỉ tổ Nguyễn Phúc Nham tên thường gọi ông Can Tranh. Ông Can Tranh, bà Can Tranh sinh hạ ông Nguyễn Phúc Trà, Phúc Trà sinh hạ Nguyễn Phúc Tiến, Phúc Tiến sinh hạ Nguyễn Phúc Cải. Do ông Nguyễn Đắc Danh phụng tự. Ông Nguyễn Đắc Danh sinh hạ Nguyễn Phúc Diệu, Nguyễn Phúc Thước, Nguyễn Phúc Huy.
Năm vua Thiệu Trị thứ năm (1845) ông Nguyễn Phúc Thân, Nguyễn Phúc Quy, Nguyễn Phúc Ư có công tìm ra dấu vết sự tích viết thành quyển gia phả. Ông Nguyễn Phúc Phiên tìm kiếm hết các  gia phả  các họ trong làng, ngoài xã, thư khế các đạo viết thành quyển gia phả hoàn chỉnh.
Năm vua Duy Tân thứ sáu (1912) ông Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Văn Kiểu, Nguyễn Văn Chỉnh, Nguyễn Đặng Hách, Nguyễn Đặng Đại cùng với ông Nguyễn Sĩ Diên học sinh tam tràng, học sĩ của xã soạn lại đầy đủ hơn.
Kể từ đời ông Thỉ tổ Nguyễn  Phúc Nham đến nay gần 20 đời người, ngót 600 năm lịch sử giữa đất giang sơn Cổ Trí. Từ một cây sinh ra hàng trăm cành, một cành sinh ra hàng trăm nhánh, một nhánh sinh ra hàng trăm lá. Con cháu ta sinh ra màn màn, tiếp tiếp đời này nối đời nọ.
Chi đầu ông Nguyễn Phúc Toàn  tự là Phúc Điến diêu cư một nhánh xuống Thạch Kim, sinh ra hàng  trăm con cháu. Một nhánh lên Thạch Liên, bây giờ chưa rõ sự tích.
Chi thứ hai ông Nguyễn Phúc Thiên sinh ra Nguyễn Phúc Tự, Phúc Tự sinh ra Nguyễn Phúc Đoàn, Phúc Đoàn sinh ra Nguyễn Phúc Tư, Nguyễn Phúc Thích. Phúc Tư sinh ra Nguyễn Phúc Bằng, Phúc Bằng sinh ra Nguyễn Phúc Trị, Nguyễn Phúc Trọng. Phúc Thích sinh ra Nguyễn Phúc Ấn, Nguyễn Phúc Mao. Phúc Ấn sinh ra Nguyễn Phúc Nhận. Phúc Mao sinh ra Nguyễn Phúc Nhậm.
Chi thứ ba ta Nguyễn  Phúc  Bồi , con cháu ở khắp nơi Nghệ An,  Thanh Hóa, Hà Nội, Hải  Phòng, Vĩnh Linh, Phú Thọ, Quảng Bình, Hà Bắc, Tuyên Quang, Sài Gòn, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ. Rồi đi ra các nước Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan cũng sinh ra hàng ngàn người.

Tổ tiên ta về văn đã sinh ra ông Nguyễn Phúc Phiên lịch khoa thí sinh làm cai hợp kiêm lý trưởng, ông Nguyễn Đặng Đại thí sinh tam  tràng làm kiểm bộ lưỡng tổng kiêm lý trưởng, bút  thảo tinh thông, công bình tử lý. Trên quan phải nể, dưới dân phải phục.
Tổ tiên ta về võ đã sinh ra ông Nguyễn Phúc Đơn đi lính đánh giặc Tàu được sắc phong Đội trưởng bách hộ chức. Ông Nguyễn Văn Kiểu đi lính mới mười sáu tuổi được phong cửu phẩm, bát phẩm thăng thất phẩm Đội trưởng hưu dượng,  làm rạng rỡ dòng họ ta, nòi giống ta.
Than ôi! Nhờ công ơn tổ tiên ta, ông cha ta đã cần cù lao động, ăn đói nhịn khát, lập nên cơ nghiệp, xây dựng cơ đồ cho con cháu ngày nay.
Người trồng cây hạnh người chơi
Tổ trồng cây đức để đời về sau.
Kính cẩn trước linh hồn  tổ tiên, theo thời đại mới chữ hán ngày càng suy, chữ quốc ngữ ngày càng thịnh, tôi xin  phép viết lại gia phổ bằng chữ quốc ngữ để con cháu biết rõ  tiểu sử  cha ông và ghi tiếp tục đời này nối đời khác.
Dưới thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại, trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ con cháu đã đóng góp thành tích nhỏ của   mình: đi bộ đội, đi công nhân, đi  cán bộ. Nhiều liệt sĩ hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Học sinh học hết cấp I, cấp II, cấp III, đại học trong nước, ngoài nước. Đã có nhiều thành tích được các cơ quan nhà nước tặng bằng khen, huy chương, huân chương.
Rồi đây con cháu phát huy hơn nữa, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

          Người phụng thờ                                                 Người viết

          Nguyễn Phúc Thư                                  Nguyễn Đặng Hành

          Nguyễn Văn Thể





No comments:

Post a Comment